Về dòng gốm vuốt tay “độc bản” của Làng gốm Bát Tràng

“Bàn tay yêu đất lấm thân,
Bàn tay mê đất chỉ cần thế thôi,
Cho dù tay mỏi đã dời,
Cho dù nứt nẻ một đời vẫn yêu”

Những sản phẩm gốm thủ công vuốt tay luôn đựng nhiều tâm tư tình cảm của nghệ nhân , vì thế phải có duyên, phải trân quý sự tinh tế mới có thể cảm nhận được từng độ nặng, đường nét, màu sắc mà đôi tay ấy mang lại.

Mỗi sản phẩm được ví như “đứa con tinh thần” của người nghệ nhân

Chỉ có yêu gốm, yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, thực tế trải qua mới hiểu được vẻ đẹp cũng như giá trị nghệ thuật của sản phẩm gốm vuốt tay. Sản phẩm gốm vuốt tay được ví như “đứa con tinh thần” của người nghệ nhân. Đó là sự kết hợp của khối óc, sức sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa. Gốm vuốt tay, vì thế, tinh tế và rất giàu chất nghệ. Đây cũng là yếu tố tạo nên giá trị cho sản phẩm.

1. Độc đáo với quy trình tạo dáng thủ công

Theo chia sẻ của những nghệ nhân làng Gốm, kỹ thuật làm gốm hiện đại phục vụ cho nhu cầu nhanh, rẻ của thị trường. Sản phẩm cần một bộ khuôn có thể làm bằng thạch cao hoặc gỗ. Tiếp đó người thợ làm gốm lấp đất in vào lòng khuôn sao cho bám chắc chân, đồng thời gạn bỏ những lớp đất thừa để tạo dáng cho sản phẩm. Các sản phẩm gốm hiện đại được sản xuất hàng loạt, đúc từ một khuôn nên không sai lệch về độ dày mỏng.

Trong khi đó, kỹ thuật làm gốm vuốt tay mang nhiều công sức và tình cảm hơn ở công đoạn tạo dáng. Cốt gốm được vuốt bằng tay trên bàn xoay để ra được nhiều hình dạng dài, tròn, vuông, bèo nhún; tạo bề mặt trơn láng hay sần sùi, gồ ghề… kết hợp với đôi tay nghệ nhân tạc những bông hoa, con thú đắp nổi lên sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm đều có chút khác biệt nhẹ, không thể đo được bằng mắt.

Tạo dáng bằng quy trình thủ công, đường nét mềm mại và tinh tế

Đặc biệt, nghệ nhân còn tự tay làm ra các loại men thủ công, phủ lên cốt gốm. Mỗi một cánh hoa, một chiếc lá, hay thân mình của một chú tượng voi đều là sản phẩm của quá trình học hỏi, dày công nghiên cứu mà thành.

Chính vì thế, tác phẩm hoàn thành có sự khác biệt về màu sắc và kiểu dáng,  10 chiếc bình ra lò, không chiếc nào giống chiếc nào. Điểm khác đầu tiên là ở mỗi sản phẩm tuy có hình dáng chung giống nhau, nhưng nhìn kỹ sẽ không giống “y đúc”, luôn có một sự lên xuống nhẹ ở hình mẫu họa tiết hoặc dáng sản phẩm. Đây là yếu tố tạo ra giá trị độc bản của gốm sứ vuốt tay.

2.Vẻ đẹp thiên nhiên từ nghệ thuật gốm nung củi

Nhiều ý kiến cho rằng, để “chơi gốm”, “thưởng gốm” thì những mẫu gốm vuốt tay, nung củi là sự lựa chọn tinh tế nhất, thể hiện tầm và đẳng cấp của người chơi.

Về gốm nung củi, có nghệ nhân làng gốm đã từng chia sẻ rằng: Trong quá trình cháy, tro gỗ chứa các khoáng chất tự nhiên sẽ theo luồng gió bay vào khí quyển nóng như sao Thổ ở trong lò, chúng lượn lờ như những con cá cờ, rồi vờn, rồi mơn trớn theo những vũ điệu của lửa, lúc nhẹ nhàng và dịu êm như sóng vỗ bờ, lúc dữ dội như lốc xoáy.

Gốm nung củi đem đến sự độc đáo cho màu men

Các chàng trai gốm của chúng ta đờ đẫn, đứng yên mặc các nàng tro gỗ bám vào thân thể, hòa tan vào lớp da, silic trên bề mặt gốm bị thủy tinh hóa tạo ra màu cam, nâu, đỏ nhấp nháy. Những nơi tro bám, lắng và đọng lại nhiều nhất sẽ bóng sâu đó chính là men tro tự nhiên.

Và như vậy, gốm nung củi dường như được sinh ra từ sự kết hợp giữa cái lý và cái sự khéo léo của đôi bàn tay nghệ nhân, nghệ sỹ gốm cùng với sức mạnh của tự nhiên để cho ra đời những tuyệt tác có một không hai với những vẻ đẹp riêng biệt và độc đáo. Đó chính là tiếng nói, vẻ đẹp của thiên nhiên trong nghệ thuật gốm nung củi.

Sau khi hoàn thiện xong các quy trình sản xuất hàng mộc, người thợ đưa sản phẩm vào lò nung, xếp chúng trong lò để sao cho sản phẩm nào cũng có độ táp lửa bởi tro củi trong quá trình cháy cuốn theo gió sẽ bám dính càng nhiều càng tốt lên bề mặt sản phẩm và sau khi nung trong khoảng thời gian từ 24 – 36 tiếng (tùy mỗi mẻ đặc hay rỗng) ở giải nhiệt độ 1.260 C0 – 1.300 C0 thì sản phẩm sẽ có sự táp lửa hỏa biến khác nhau đến ngỡ ngàng, chỗ bóng, chỗ nâu, chỗ đỏ….hiệu ứng này chỉ có ở lò nung củi mới có.

3. Giàu giá trị nghệ thuật và giá trị độc bản

Là một phương thức sản xuất ở làng gốm Bát Tràng, bỏ qua tất cả sự hỗ trợ của khuôn cốt, của máy in, máy dập, chỉ giữ lại một điều tuyệt vời nhất là sự khéo léo và tài năng của người thợ gốm. Những con người sẵn sàng theo đuổi niềm đam mê mà lướt qua tất cả các cơ hội phát triển các nghề nghiệp khác để đến với gốm vuốt tay, một con đường không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, nhiệt huyết không ngừng nghỉ, mà còn là những giọt mồ hôi, những cảm xúc thất thường mỗi khi đón chờ những đứa con ra đời sau ngọn lửa.

Sự giao hòa của giá trị nghệ thuật và giá trị độc bản

Những sản phẩm gốm sứ vuốt tay, vì thế, được xem như tác phẩm nghệ thuật – nơi thể hiện tài năng và tài hoa của những nghệ nhân làng nghề.

Sản phẩm thô nhưng mượt mà, uyển chuyển với từng đường vuốt tay, xoay cối. Vì được làm hoàn toàn bằng tay, nên mỗi cái đều có một vẻ đẹp riêng biệt, dẫu có cùng loại, cùng hình dáng thì người ta vẫn dễ dàng tìm ra những điểm khác nhau mà chọn lựa. Đây được xem là giá trị cốt lõi của sản phẩm gốm vuốt tay Bát Tràng, cũng là “cái cớ” để những người yêu gốm tìm về với những giá trị và vẻ đẹp nghệ thuật đích thực.

Trên đây là một số chia sẻ về dòng gốm sứ vuốt tay Bát Tràng. Hi vọng bài viết đã đem đến chia sẻ hữu ích, giúp bạn hiểu hơn về dòng gốm sứ độc đáo, giàu giá trị này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

/*code thanh liên hệ mobi */