Thờ cúng gia tiên là một trong những phong tục truyền thống lâu đời của người Việt, đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của dân tộc ta. Trong mỗi gia đình Việt, bàn thờ gia tiên luôn chiếm vị trí quan trọng nhất và được bày biện rất cẩn thận theo những nguyên tắc nhất định. Xoay quanh việc lập bàn thờ gia tiên, có rất nhiều thắc mắc mà nhiều người có lẽ chưa biết hết được.
Hãy cùng chúng tôi giải đáp một số câu hỏi về lập bàn thờ gia tiên qua bài viết dưới đây.
1. Nghi thức lập bàn thờ vọng cần lưu ý những điều gì?
Tóm tắt nội dung
Bàn thờ vọng là áo dụng cho con cháu sống ở xa quê, hướng vọng về quê hương, hương khói cho ông bà tổ tiên trong những ngày giỗ Tết. Ngày xưa, bàn thờ vọng chưa phải là phong tục chủ yếu bởi đa số người ta đều sống và sinh cơ lập nghiệp ngay tại quê hương, ít đi làm ăn xa ở nơi khác, cả đời không rời quê cha đất tổ.
Đến thời có chiến tranh, những người làm quan hoặc những người lính ngoài biên ải xa xôi khi nghe tin có người thân mất mà chưa kịp về chịu tang thì sẽ lập một hương án hướng về quê hương để làm lễ. Kể từ đó, bàn thờ vọng được hình thành.
Sau này, khi xã hội phát triển, số lượng các gia đình rời xa quê hương đi làm ăn tại các thành phố lớn ngày càng nhiều. Để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, tôn kính với tổ tiên, các gia đình xa quê cũng muốn lập một bàn thờ vọng trong nhà.
Chỉ có những người sống xa quê mới lập bàn thờ vọng. Những người ở gần quê, dù giàu hay nghèo cũng phải về nhà người con trai trưởng hoặc trưởng họ làm lễ trong dịp giỗ Tết. Do đó, không có tục lập bàn thờ vọng đối với đời thứ ba ngay tại quê. Nếu người con trưởng mất hoặc sống xa quê, người con thứ kế tiếp con trưởng được lập bàn thờ chính, còn bàn thờ tại nhà con trưởng là bàn thờ vọng.
Trước khi lập bàn thờ vọng, chủ nhà phải về quê để báo cáo với tổ tiên tại bàn thờ chính, xin phép chuyển một vài lư hương phụ hoặc một vài nén hương đang cháy dở đến bàn thờ vọng để thắp tiếp. Nếu có phòng riêng, để bàn thờ đặt ở một phòng riêng biệt để tăng tính tôn nghiêm. Nếu không có phòng riêng thì đặt kết hợp với phòng khách và phải đặt cao hơn chỗ tiếp khách.
Bàn thờ đặt hướng về quê chính để gia chủ vái lạy thuận hướng về quê chính. Không nên đặt tại những chỗ uế tạp, cạnh lối đi, trừ trường hợp nhà quá hẹp. Những người mà sống trong khu tập thể thì chỉ đặt một lọ cắm hương đầu giường nằm của mình cũng đủ, miễn là có lòng thành kính, chẳng cần phải câu nệ hướng nào, cao thấp rộng hẹp ra sao.
2. Lập bàn thờ cho người mới mất như thế nào?
Những người mới mất chưa được thờ chung với tổ tiên mà được lập một bàn thờ riêng tại gian thờ hoặc gian nhà ngang. Bàn thờ cho người mới mất được bài trí tương đối sơ sài gồm: một bát nhang, bài vị (hoặc ảnh), lọ hoa, chén nước, ngọn đèn… Trong vòng 100 ngày (tính từ ngày an táng xong), người ta đều thắp hương cơm canh trước khi gia đình ăn cơm, mời người mới mất thụ hưởng. Lúc này, linh hồn người chết còn quyến luyến người thân, “hồn vía còn nặng” chưa thể siêu thoát được, vẫn còn luẩn quẩn xung quanh nhà. Những người sống không muốn tin vào sự thật là họ vừa mới mất đi một người thân, làm vậy để dịu nỗi buồn. Nhưng có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức lễ chung thất).
Sau 49 ngày, bát hương người mới mất sẽ được rước lên bàn thờ gia tiên. Khi rước bát hương lên bàn thờ chính cần phải đọc bài khấn để xin phép. Nếu trong nhà có 3 bát hương, lúc xin phép không phải xin từng bát mà chỉ xin bát ở giữa và cắm mỗi bát 1 nén hương. Sau lễ trừ phục (lễ giỗ 3 năm) bàn thờ người mới mất sẽ được loại bỏ cùng những đồ thờ riêng, đưa ảnh chân dung và bát nhang lên bàn thờ tổ tiên, đặt hàng dưới. Trường hợp không có bàn thờ tổ tiên thì sẽ vẫn giữ lại như cũ, chỉ cần yết cáo tổ tiên lên bàn thờ tổ.
3. Khi lập bàn thờ gia tiên, có cần phải viết đầy đủ tên các cụ đã mất lên tờ hiệu để trong bát hương không?
Việc thờ cúng là do thành tâm và do đó không cần viết đầy đủ tên các cụ đã mất lên tờ hiệu trong bát hương vì như vậy sẽ rất nhiều và không thể liệt kê hết. Theo đó chỉ cần ghi “Gia tiên họ…” vì chữ gia tiên đã bao gồm tất cả các đời.
Lưu ý không được ghi lằng nhằng vào bát hương kể cả ghi con rồng hoặc thần linh. Không phải ghi chữ gia tiên trong bát hương thì bát hương đó trở thành bát hương thờ gia tiên, kể cả chúng ta dán tên người muốn thờ bên ngoài bát hương cũng không được.
Bát hương thờ ai là do lúc khấn, gia chủ đưa bát hương đặt lên bàn thờ và quỳ lạy. Việc thờ cúng nếu sai sẽ khiến gia đình rối loạn, tinh thần không tốt, trong nhà hay có người ốm yếu.
4. Bàn thờ Bà Cô Ông Mãnh là gì? Lưu ý khi thiết lập bàn thờ Bà Cô Ông Mãnh?
Bà Cô Ông Mãnh là từ mà dân gian dùng cho những người chết trẻ, chưa lập gia đình. Người ta cho rằng vì chết trẻ nên bà cô ông mãnh rất linh thiêng. Nếu cảm thấy “hợp” người thân nào thì sẽ phù hộ độ trì rất nhiều. Nếu thờ cúng bà cô ông mãnh không đến nơi đến chốn sẽ bị quở phạt. Bà Cô Ông Mãnh lẽ ra cũng nên thờ cúng với tổ tiên, nhưng dân gian quan niệm rằng bà cô ông mãnh tuổi thấp nên chưa thể hưởng hương hoa cùng các cụ đời trước được. Giống như trên cõi dương gian, trẻ con chỉ ngồi riêng một mâm khi ăn giỗ nên bà cô ông mãnh cũng được thờ riêng 1 bàn thờ.
Bàn thờ Bà Cô Ông Mãnh được đặt dưới gầm hương án bàn thờ tổ tiên. Cũng có thể đặt cùng trên bàn thờ tổ tiên nhưng bát nhang phải thấp hơn thờ gia tiên 1 bậc. Cũng có thể lập riêng bàn thờ nhưng phải thấp hơn bàn thờ tổ tiên. Bài trí bàn thờ Bà Cô Ông Mãnh rất đơn giản, sơ sài. Chỉ đặt bài vị (hoặc ảnh), bát nhang, chén nước, bình hoa, đôi đèn… Người ta cúng vào ngày sóc vọng, ngày kỵ, giỗ Tết giống thờ tổ tiên.
Nếu người cúng ngang hàng với Bà Cô Ông Mãnh thì chỉ lâm râm khấn mà không cần lễ. Nếu thuộc hàng dưới thì phải khấn và lễ. Khi gia đình gặp chuyện về sức khỏe, vật chất, người ta cúng Bà Cô Ông Mãnh để được phù hộ độ trì cho mọi sự được hanh thông và tốt hơn.