Trọng lão là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ Người cao tuổi nước ta đã có nhiều công lao to lớn đối với gia đình, xã hội và đất nước, có uy tín, vai trò và vị trí quan trọng. Nhân kỉ niệm 25 năm ngày thành lập hội người cao tuổi Việt Nam, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của ngày này qua bài viết dưới đây.
1. Lịch sử ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam
Hội Người cao tuổi Việt Nam được thành lập vào ngày 10/5/1995, trong Đại hội I Hội NCT Việt Nam được tiến hành từ ngày 09-10/5/1995 tại Thủ đô Hà Nội gồm 215 đại biểu. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự, chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Vũ Oanh, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Công tác quần chúng TW; Nguyễn Khánh, UV TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quang Đạo, UV TW Đảng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam dự, phát biểu ý kiến tại Đại hội.
Đại hội thông qua Điều lệ Hội (khoá I), Chương trình hành động toàn khoá, Thư gửi NCT Việt Nam; Quyết định lấy ngày 10/05/1995 là Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam; bầu Ban chấp hành Trung ương Hội gồm 73 ủy viên.
Hội nghị BCH TW Hội lần thứ Nhất bầu BTV TW Hội, Chủ tịch, các PCT TW Hội: Giáo sư, bác sỹ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Khuê, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hội NCT Việt Nam. Các Phó Chủ tịch TW Hội: Trịnh Văn Lễ kiêm Tổng Thư kí, Ung Ngọc Ky, Tôn Thất Hanh, Nguyễn Phước Đại. Hội nghị lần thứ 2 BCH TW Hội (23-24/9/1996) bầu bổ sung 2 Uỷ viên BTV (Phạm Văn Ngọc, Lê Công Thiện), bầu đồng chí Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên BCT làm Chủ tịch danh dự Hội NCT Việt Nam. Hội nghị lần thứ 3 BCHTW Hội (12/1997) bầu bổ sung đồng chí Đỗ Trọng Ngoạn, Chánh Văn phòng TW Hội vào BTV.
2. Ý nghĩa ngày Thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam
Ngày Thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam có ý nghĩa to lớn, mang tính lịch sử, mở ra một thời kì mới trong sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi cả nước, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của hàng triệu Người cao tuổi Việt Nam.
Với những cống hiến, công lao đối với dân, với nước, với cháu con, các cụ, các bác hoàn toàn xứng đáng được an nhàn hưởng tuổi già nhưng nhiều cụ, nhiều bác vẫn không quản vất vả “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với tất cả sự nhiệt tình, hiểu biết, kinh nghiệm và nhất là tấm long trong sáng, không gợn một chút riêng tư.
Trải qua 25 năm phát triển, kế thừa truyền thống vẻ vang của Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có đóng góp hết sức quan trọng, có thể nói không thể thiếu, trong xây dựng pháp luật, chế độ, chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung, và chăm sóc, phát huy Người cao tuổi nói riêng.
Rất nhiều Người cao tuổi đã trở thành hạt nhân trong các phong trào, là nòng cốt trong các tổ hoà giải, là chỗ dựa tinh thần không chỉ cho gia đình, mà cho làng xóm, cộng đồng. Nhiều già làng, trưởng bản đã trở thành lực lượng không thể thiếu bên cạnh lãnh đạo đảng, chính quyền trong lãnh đạo phong trào cơ sở.
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, làm tấm gương trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi, nâng cao tuổi thọ cho người Việt Nam. Chúng ta tự hào về thành tích đó nhưng phải nhìn nhận thực tế khoảng cách của nước ta so với các nước còn rất xa. Và không đơn thuần là nguy cơ mà nếu chúng ta không tiến nhanh hơn, tiến mạnh hơn thì chắc chắn sẽ tụt hậu.
Thực tế, dù đời sống của nhân dân đã được cải thiện rất nhiều nhưng còn một bộ phận người dân, trong đó có nhiều Người cao tuổi, còn hết sức khó khăn, nhà cửa dột nát, còn phải mưu sinh kiếm sống từng ngày, nhiều khi có bệnh chưa được chăm sóc tốt. Cũng còn không ít Người cao tuổi không được người thân, gia đình kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng; cá biệt có cụ, còn bị hắt hủi, ngược đãi.
Vì vậy, hàng năm cứ đến ngày thành lập Hội người cao tuổi Việt Nam 10/5, Đảng và Nhà nước, con cháu cần nhìn nhận lại sâu sắc trách nhiệm của mình đối với Người cao tuổi, chung tay để sự nghiệp chăm sóc, phát huy uy tín, sự hiểu biết, kinh nghiệm của Người cao tuổi được tốt hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho Người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đặc biệt, cần trân trọng, phát huy vốn quý của NCT trong xây dựng, tham gia góp ý, giám sát, phản biện việc thực hiện chính sách, làm nòng cốt cho nhiều phong trào thi đua yêu nước.